Có nên sử dụng dịch vụ CloudFlare cho website hay không?

co-nen-su-dung-dich-vu-cloudflare-hay-khong

Mặc dù từng gặp phải rất nhiều lời phàn nàn, chỉ trích về chất lượng của dịch vụ trong quá khứ, mà phổ biến nhất là thường xuyên khiến website bị downtime (lỗi 52x). Tuy nhiên, nếu ai đó hỏi tôi rằng có nên sử dụng dịch vụ CloudFlare cho website vào thời điểm hiện tại hay không, thì câu trả lời của tôi là “có”. Tại sao lại như vậy? Sử dụng dịch vụ CloudFlare sẽ mang lại những lợi ích và hạn chế gì cho website của bạn? Hãy cùng WP Căn bản dành ra ít phút để tìm hiểu ngay sau đây.

WP Căn bản đang sử dụng dịch vụ CloudFlare

Vào ngày 16/03/2018 vừa qua, sau một thời gian dài chỉ sử dụng CloudFlare làm máy chủ phân giải DNS tên miền, cuối cùng chúng tôi đã quyết định tận dụng triệt để những lợi ích mà nó mang lại bằng cách kích hoạt CloudFlare CDN.

Sở dĩ như vậy bởi vì chất lượng dịch vụ của CloudFlare hiện tại đã ổn định và tốt hơn rất nhiều so với vài năm trở về trước. Họ đã mở hơn 130 datacenter trên khắp thế giới, trong đó có rất nhiều datacenter nằm gần Việt Nam, chẳng hạn như Singapore, Hong Kong, Malaysia, Philippines và cả ở Campuchia nữa.

mang-luoi-datacenter-cua-cloudflare

Đặc biệt hơn, thời gian gần đây, CloudFlare đã mở thêm cụm server tại Hà Nội và TP.HCM, mở ra nhiều hy vọng cho những người dùng tại Việt Nam giữa thời buổi mạng internet quốc tế thường xuyên gặp vấn đề.

Dịch vụ CloudFlare có thể mang lại những lợi ích gì?

Dịch vụ CloudFlare CDN (kể cả miễn phí lẫn trả phí) có thể mang lại cho website của bạn rất nhiều lợi ích:

1. Giúp tăng tốc độ load

Với hệ thống CDN rộng khắp toàn cầu, CloudFlare có thể giúp website của bạn load nhanh hơn trong trường hợp web server đặt ở nước ngoài nhưng lưu lượng truy cập lại chủ yếu đến từ Việt Nam. Các dữ liệu tĩnh như CSS, JS, hình ảnh… sẽ được cache trên các máy chủ của CloudFlare và phân phối đến người dùng từ datacenter nằm gần nhất. Do đó, kể cả khi host của bạn đặt ở Mỹ thì những dữ liệu này vẫn sẽ được truyền đến người dùng từ các server của CloudFlare đặt ở Hong Kong, Singapore, Nhật Bản hoặc may mắn hơn là… Việt Nam (Hà Nội và TP.HCM). Điều này giúp rút ngắn quãng đường và thời gian truyền tải.

Lưu ý: bạn không thể chọn location để push dữ liệu, trừ khi sử dụng gói Enterprise. CloudFlare sẽ lựa chọn ngẫu nhiên location gần nhất, tối ưu băng thông nhất để push dữ liệu. Đó là lý do tại sao đôi khi khách truy cập đến từ Việt Nam nhưng dữ liệu lại được push từ server ở tận bên Nhật.

Ngoài ra, CloudFlare còn cung cấp rất nhiều tính năng khác, chẳng hạn như:

  • Auto Minify (miễn phí): tự động nén file JS, CSS, HTML.
  • Brotli (miễn phí): nén dữ liệu (tương tự GZIP) để tăng tốc độ load trên giao thức HTTPS.
  • Rocket Loader (miễn phí): tải không đồng bộ (async) các file JS.
  • Polish (trả phí): nén và tạo định dạng WebP cho hình ảnh.
  • Mirage (trả phí): tối ưu việc load hình ảnh trên các thiết bị di động có kết nối chậm (bằng kỹ thuật lazy load cũng như kết hợp nhiều đường truyền mạng cho một hình ảnh).
  • Load Balancing (trả phí): giúp cân bằng tải cho website bằng cách load dữ liệu từ nhiều host khác nhau.

Chúng chắc chắn sẽ giúp bạn cải thiện tốc độ load cho website lên khá nhiều.

2. Tiết kiệm tài nguyên

Chính việc cache dữ liệu tĩnh trên các server của CloudFlare sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều tài nguyên cho hosting (CPU, RAM và băng thông), đặc biệt là đối với các gói hosting có băng thông hạn chế.

cloudflare-giup-tiet-kiem-tai-nguyen-host

Điều này sẽ khiến cho website của bạn chịu tải tốt hơn, trở nên “trâu bò” hơn và tiết kiệm được đáng kể chi phí.

3. Tăng cường bảo mật

CloudFlare CDN (kể cả gói miễn phí) được trang bị một hệ thống bảo mật hoạt động khá hiệu quả. Hệ thống này có thể giúp bạn chống lại các bot độc hại, các cuộc tấn công DDoS ở quy mô nhỏ thông qua các tính năng như Bot Fight ModeBrowser Integrity CheckIP Firewall hay Under Attack Mode.

cloudflare-under-attack-mode

Đối với các gói trả phí (từ Pro trở lên), các bạn còn được sử dụng tính năng Web Application Firewall giúp ngăn chặn các cuộc tấn công vào website một cách hiệu quả. Đặc biệt hơn, CloudFlare còn có sẵn thiết lập Firewall tối ưu dành cho những nền tảng CMS phổ biến như WordPress, Joomla, Magento, Drupal…

cloudflare-web-application-firewall

Khi sử dụng CloudFlare CDN, IP thật của host cũng sẽ bị ẩn, thay vào đó là IP của CloudFlare. Điều này sẽ giúp bạn tránh khỏi các cuộc tấn công DDoS nhằm thẳng vào IP của host.

4. SSL miễn phí

Nếu bạn cần một giải pháp SSL miễn phí, trong khi host không hỗ trợ sẵn Let’s Encrypt hay bạn đang sử dụng BlogSpot với tên miền riêng thì CloudFlare Universal SSL là một sự lựa chọn hợp lý. Chỉ với một vài click, các bạn đã có thể cài đặt thành công SSL miễn phí cho website của mình.

kich-hoat-cloudflare-universal-ssl

Tham khảo thêm: Cài đặt CloudFlare SSL miễn phí cho website WordPress

5. Hỗ trợ HTTP/2 và HTTP/3

Web server của bạn không hỗ trợ HTTP/2 và HTTP/3 – những giao thức truyền tải dữ liệu thế hệ mới nhất của HTTP? Đừng lo lắng, chỉ cần sử dụng CloudFlare, bạn hoàn toàn có thể kích hoạt tính năng thời thượng này cho website một cách dễ dàng.

cloudflare-http-2

HTTP/3 (with QUIC) được hỗ trợ bởi công nghệ 0-RTT (Zero Round Trip Time Resumption) dễ dàng đánh bại HTTP/1.1 và HTTP/2 về tốc độ load.

kich-hoat-http-3-va-0-rtt-tren-cloudflare

Tham khảo thêm: Kích hoạt HTTP/3 cho website một cách đơn giản

6. Kho ứng dụng phong phú

Kho ứng dụng bổ trợ phong phú và đồ sộ, trong đó có nhiều ứng dụng hữu ích được chia thành các hạng mục khác nhau: InsightsPerformanceSecuritySocial & CommunicationUI & DesignWidgets & Plugins… giúp bạn tối ưu hóa trải nghiệm người dùng một cách đơn giản.

cloudflare-apps

Hạn chế của dịch vụ CloudFlare

CloudFlare miễn phí có 3 điểm hạn chế, tuy hơi khó chịu nhưng cũng không quá quan trọng. Nếu bạn chấp nhận được thì hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ này để tăng tốc độ load cũng như bảo vệ cho website của mình:

1. Lỗi SSL

Cả Universal SSL (miễn phí) lẫn Dedicated SSL (trả phí) của CloudFlare đều sử dụng Server Name Indication (SNI) certificates, do đó chúng sẽ không hỗ trợ các trình duyệt web thế hệ cũ (xem chi tiết). Nếu khách truy cập sử dụng trình duyệt hoặc hệ điều hành quá cũ, họ sẽ không thể truy cập được vào website của bạn. Vấn đề này chỉ được giải quyết khi bạn nâng cấp lên các gói CloudFlare trả phí (Pro, Business và Enterprise) sử dụng Subject Alternative Names (SAN). Tất nhiên, với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay thì những thiết bị với phiên bản hệ điều hành và trình duyệt cũ không còn tồn tại nhiều nên vấn đề này cũng không quá đáng ngại.

2. Lỗi máy chủ phản hồi chậm

CloudFlare có thể làm giảm điểm test Google PageSpeed Insights của bạn do lỗi “máy chủ phản hồi chậm”. Đây là điều dễ hiểu do khi sử dụng CloudFlare, tín hiệu truyền từ người dùng đến máy chủ host sẽ phải thông qua CloudFlare và ngược lại. Nếu bạn là người không quá đặt nặng về vấn đề điểm số từ các công cụ kiểm tra tốc độ (giống như tôi) thì vấn đề này hoàn toàn có thể bỏ qua.

Tham khảo thêm: Giảm TTFB khi sử dụng CloudFlare CDN

3. Lỗi kết nối

Thỉnh thoảng bạn có thể sẽ gặp lỗi khi truy cập vào website mà theo CloudFlare thông báo là do host chết (lỗi 52x). Thực tế thì nguyên nhân của việc này là do giữa host và CloudFlare tạo quá nhiều kết nối (chạm tới giới hạn cho phép) dẫn đến quá tải và bị lỗi. Tuy nhiên, đây chỉ là lỗi tạm thời và khi bạn gặp lỗi thì những người khác vẫn có thể truy cập bình thường. Hiện nay tình trạng này đã được khắc phục rất nhiều nhờ những công nghệ như Railgun và bạn hầu như không cần bận tâm đến chúng nữa.

Tham khảo thêm: Kích hoạt CloudFlare Railgun trên dịch vụ WordPress Hosting

4. Giới hạn file upload

Khi sử dụng CloudFlare CDN, các bạn sẽ bị giới hạn kích thước file được phép upload lên website, cụ thể:

  • Gói Free và Pro: tối đa 100 MB/ file.
  • Gói Business: tối đa 200 MB/ file.
  • Gói Enterprise: tối đa 500 MB/ file.

Nếu muốn upload các file có dung lượng lớn hơn kích thước kể trên, các bạn buộc phải tạm thời tắt tính năng proxy (CDN) của CloudFlare đi. Sau khi upload xong thì bật trở lại.

Đây cũng chính là lý do mà chúng tôi không kích hoạt CloudFlare CDN cho các link đăng nhập cPanel của dịch vụ WordPress Hosting do WP Căn bản cung cấp. Bởi vì, nếu kích hoạt, khách hàng sẽ không thể upload được các file có kích thước lớn hơn 100MB thông qua File Manager của cPanel.

Có nên sử dụng dịch vụ CloudFlare CDN?

Từ những lý do kể trên, tôi cho rằng những lợi ích mà CloudFlare mang lại hoàn toàn có thể làm lu mờ một vài điểm hạn chế của nó. Nếu website của bạn có server đặt tại nước ngoài (Singapore, Hong Kong, Nhật Bản hoặc Mỹ chẳng hạn), bạn nên sử dụng CloudFlare để tối ưu tốc độ load cũng như tăng cường khả năng bảo mật (chống spam, chống DDoS…) và giảm tải cho hosting.

Bản thân tôi cũng đang sử dụng dịch vụ CloudFlare blog WP Căn bản. Còn bạn thì sao? Bạn nghĩ gì về CloudFlare? Theo bạn có nên sử dụng dịch vụ CloudFlare cho website hay không? Hãy chia sẻ với chúng tôi những quan điểm và ý kiến của bạn trong khung bình luận bên dưới.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
spot_img

Có thể bạn sẽ thích

Tài liệu SEO chính thức của Google dành cho...

Tài liệu SEO cơ bản của Google (2008) gồm những gì? Đây là một ebook dài 22 trang...

EVside10 API video, giọng nói, trò chuyện tốt nhất...

Số hóa đã dẫn đến sự gia tăng tầm quan trọng của API video, giọng nói và...

Mẹo hay cùng Chính: Charles Proxy, cân mọi kèo...

Về phía Dev, Charles Proxy đảm bảo các request luôn đúng và đầy đủ thông tin gửi...